Chiến lược phát triển khoa Công nghệ Nông nghiệp

1. Sứ mạng

- Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, trình độ cao; nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế và xã hội tri thức của đất nước trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

2. Quan điểm phát triển

- Công nghệ tiến tiến áp dụng trong nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, gia tăng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, tăng thu nhập cho người dân, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao vị thế nền nông nghiệp nước ta. Vì vậy đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nông nghiệp tiên tiến trên cơ sở áp dụng các thành tựu mới nhất về cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ nano, công nghệ sinh học… phải được xác định là lĩnh vực cần được ưu tiên.
- Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu. Đẩy mạnh nghiên cứu tạo tiền đề về kiến thức, công nghệ và định hướng ứng dụng thực tiễn. Từ đó đào tạo ra thế hệ sinh viên thực tiễn, có thể tiếp cận ngay với thực tế Việt Nam nhằm ứng dụng hiệu quả công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp ở Việt Nam.
- Tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội như cơ khí chính xác, điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ nano và công nghệ sinh học theo định hướng ứng dụng trong nông nghiệp, tạo ra sự liên kết hữu cơ về con người, về công nghệ, có tính bổ sung đối với các hướng nghiên cứu của các Viện/Trường và các Bộ, Ngành có liên quan.
- Khoa Công nghệ Nông nghiệp là cầu nối giữa Đại học Quốc Gia Hà Nội với các Viện/Trường và các Bộ, Ngành trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Sinh viên của Khoa được đào tạo theo nguyên tắc “học bằng làm” sẽ có kỹ năng nghiên cứu, phát triển ứng dụng các công nghệ tiên tiến không chỉ trong nông nghiệp mà trong tất cả các lĩnh vực kinh tế quốc dân có liên quan khác.

3. Chiến lược phát triển

 i)  Giai đoạn I: Phát triển các nghiên cứu ứng dụng để nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp, khai thác chuỗi giá trị của các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch dựa trên các thành tựu và năng lực sẵn có của các khoa thuộc Trường Đại học Công nghệ nói riêng và Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung. Trên cơ sở các nghiên cứu ứng dụng đó, đào tạo các kỹ sư công nghệ theo hướng thực hành ứng dụng các lĩnh vực điện tử viễn thông, kỹ thuật số, cảm biến, cơ khí tự động hóa, công nghệ nano và công nghệ sinh học,… trong sản xuất nông nghiệp.

ii) Giai đoạn II: Cùng với các nhà khoa học của Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khác, nghiên cứu phát triển các công nghệ tiên tiến mới ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ đó, tiến hành đào tạo sinh viên theo nguyên tắc “học bằng làm”.  Bằng cách này sẽ tạo ra thế hệ kỹ sư công nghệ có đầy đủ tri thức về công nghệ và thực tiễn trong nông nghiệp.

4. Bước đi

i) Cùng với các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội sàng lọc các công nghệ sẵn có và tiềm năng để triển khai thực hiện theo 3 mức: a) sẵn sàng ứng dụng các công nghệ sẵn có vào sản xuất nông nghiệp. Khoa Công nghệ Nông nghiệp đề xuất thúc đẩy ứng dụng các công nghệ này vào nông nghiệp. b) hoàn thiện các công nghệ mới, tiềm năng. Khoa sẽ cùng với các nhà khoa học hoàn thiện các công nghệ mới, tiềm năng đưa vào ứng dụng trong nông nghiệp. c) đề xuất nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại và tiềm năng ứng dụng cho nông nghiệp trong tương lai.

ii) Xây dựng Trại thực nghiệm công nghệ nông nghiệp tại Hòa Lạc có diện tích 5-10 ha với đầy đủ các hệ thống nhà lưới, nhà kính, nhà màn và hệ thống nuôi trồng địa canh, thuỷ canh, khí canh … để thử nghiệm các công nghệ, vận hành các trang thiết bị mới và đào tạo sinh viên.

iii) Trang bị cho các khoa của Trường Đại học Công nghệ các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ trong nông nghiệp để tăng cường tiềm lực của các khoa trong Trường.

iv) Kết hợp chặt chẽ với các Viện/Trường, các Bộ Ngành và các Doanh nghiệp theo nguyên tắc bổ sung lẫn nhau để nghiên cứu phát triển và đưa các công nghệ, kỹ thuật mới vào nông nghiệp và đào tạo sinh viên.  

v) Phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế để học hỏi, khai thác tiềm năng trí tuệ, chuyển giao công nghệ và đào tạo.

vi) Phát triển hợp tác, liên doanh với các doanh nghiệp công nghệ cao để khai thác tiềm năng của đất sẵn có tại Hòa Lạc nhằm ứng dụng công nghệ, giảm chi phí vận hành Trại thực nghiệm trong quá trình đào tạo sinh viên và triển khai công nghệ.

Hotline
024.3212.3709
Zalo
024.3212.3709
Viber
024.3212.3709
Youtube
Twitter
Facebook
http://facebook.com/
Facebook
http://facebook.com/
Instagram